Từ tượng Hai Bà đến tượng Trần Hưng Đạo...

(TNO) - Tượng Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh là minh chứng cho sự năng động của Sài Gòn và là chốn hẹn hò của đôi lứa ở bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn đầy thơ mộng.

< Tượng Trần Hưng Đạo trở thành nơi chứng minh cho sự năng động, phát triển của Sài Gòn.

Tượng Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh, quận 1. Thời Pháp thuộc, công trường này được đặt theo tên Đô đốc thủy quân người Pháp và từng là Thống đốc Nam Kỳ, Rigault de Genouilly. Ban đầu tượng của vị đô đốc thủy quân cũng được đặt nơi đây.

Thay thế tượng Hai Bà

< Ban đầu nơi đây đặt tượng đô đốc người Pháp Rigault de Genouilly.

Năm 1955, ngày lễ Hai Bà Trưng được công nhận là ngày lễ chính thức ở miền Nam. Tháng 3.1962, chính phủ Ngô Đình Điệm khánh thành tượng Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh để vinh danh Hai Bà. Người dân Sài Gòn lúc đó vẫn quen gọi là tượng Hai Bà. Tượng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện.

Tượng Hai Bà Trưng được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi. Tượng được giới điêu khắc đánh giá rất đẹp, nét điêu khắc đặc sắc và mới mẻ. Khi khánh thành tượng này, bà Trần Lê Xuân - phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu - với tư cách là chủ tịch của Hội Phụ nữ liên đới tới cắt băng khánh thành.

< Năm 1962, tượng Hai Bà Trưng được đặt ở đây.
Dulichgo
Tuy nhiên, do cách điêu khắc quá mới mẻ nên sau khi khánh thành, nhiều người dân Sài Gòn thấy tượng Hai Bà có nét phảng phất giống mẹ con bà Trần Lê Xuân. Nên sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, một số người đã tập trung ở công trường giật đổ tượng Hai Bà như muốn xóa bỏ “dấu tích” của phu nhân cố vấn tổng thống. Nhiều người chứng kiến vụ giật đổ kể đầu hai pho tượng sau đó được bỏ lên xích lô đem đi diễu hành khắp phố, rồi không biết thất lạc nơi đâu. Từ năm 1963 đến 1967, bệ voi vẫn nằm ở công trường nhưng không có tượng nào được trưng trên đó.

Sau này, có một thời gian công trường Mê Linh được giao cho hải quân nên được đổi thành công trường Bạch Đằng. Đây vừa là quân cảng vừa là bến sông tiếp nhận tàu bè từ cảng Sài Gòn. Chuyện dựng tượng Trần Hưng Đạo cũng có nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh. Bởi ít người biết rằng bức tượng Trần Hưng Đạo nổi tiếng ở Sài Gòn suốt gần 50 năm qua lại là tác phẩm đầu tay của Phạm Thông - một chàng trai mới vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn.

< Tượng Trần Hưng Đạo trước năm 1975.
Dulichgo
Sau này, kể với báo chí, nhà điêu khắc Phạm Thông cho biết năm 1967, khi ông mới 24 tuổi, binh chủng hải quân của Việt Nam Cộng hòa kết hợp với Hội Đức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo để đặt ở vị trí công trường Mê Linh thay cho tượng Hai Bà Trưng bị phá hủy trước đó. Ban đầu đồ án của ông là tượng ngồi nghiên cứu binh thư yếu lược. Nhưng khi bắt tay vào thiết kế, ý tưởng Hưng Đạo Đại Vương đứng trên cao chỉ xuống sông Sài Gòn ở vị trí bến Bạch Đằng như bây giờ thuyết phục được Phạm Thông. Cuộc thi đó có 13 đồ án tham dự và cuối cùng điêu khắc gia Phạm Thông thắng giải.

Sài Gòn năng động và thơ mộng

Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 m. Trụ tam giác này tận dụng vị trí kiềng ba chân đã đặt tượng Hai Bà Trưng trước đó. Mẫu tượng do Phạm Thông thiết kế là vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Chính hình ảnh oai hung và tinh thần chống giặc xâm lăng mà Phạm Thông đưa ra đã thuyết phục ban tổ chức dù rằng cuộc thi đó nhiều điêu khắc gia nổi tiếng và hơn tài ông tham dự.

< Tượng Trần Hưng Đạo hiện nay. Nơi đây minh chứng cho sự phát triển của Sài Gòn khi rất nhiều cao ốc được xây dựng.

Trong hồi ức của mình, nhà văn Phan Lạc Tiếp cho biết ngay cả điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu - người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương - cũng tham dự cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo. Ý tưởng của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu là một mẫu tượng Đại tướng trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như binh thư. Đại tướng quân hướng mắt về phương bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt về giữ yên bờ cõi biên cương biển trời. Rất tiếc mẫu thiết kế này không được chọn khiến điêu khắc gia nổi tiếng này rất buồn.

< Đây còn là nơi có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan.

Phạm Thông kể lại những người chủ trì việc dựng tượng yêu cầu ông làm việc rất nghiêm túc. Thay vì thời gian thực hiện đồ án chỉ vài tháng cuối cùng kéo dài tới gần 1 năm. Ngày khánh thành tượng, 5 giờ sáng, ông còn phải trèo lên tượng đục đẽo, sửa chữa cho tượng đạt yêu cầu.
Dulichgo
Niềm hạnh phúc của điêu khắc gia Phạm Thông là sau này có hai phiên bản tượng Trần Hưng Đạo được đúc để gắn ở Quy Nhơn, Vũng Tàu. Sau năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Thông sang Mỹ định cư.

Còn về tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn sau khi hoàn thành nhanh chóng được người dân đón nhận. Công trường Mê Linh những năm về sau không chỉ nổi tiếng khi đây chính là minh chứng cho sự năng động của Sài Gòn khi các tòa nhà cao tầng đua nhau chen chúc mà còn là chốn hẹn hò của đôi lứa ở bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn đầy thơ mộng.

Theo Trung Hiếu (Báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post