Đến Nam Đàn, Nghệ An, du khách thường chỉ ghé thăm quê Bác mà không biết rằng ven đê Tả Lam (tả ngạn sông Lam) cũng có khung cảnh thơ mộng và yên bình rất đáng thưởng thức.
< Vào mùa lau, cảnh sắc nơi này thật sự như thiên đường.
Xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An gần đây mới “nổi” lên nhờ khung cảnh hoang sơ và lãng mạn của bãi lau rộng lớn ven sông. Bãi đất này người dân thường chăn bò, không khai khẩn trồng hoa màu nên lau lách được thể mọc thành từng mảng lớn rất um tùm, rậm rạp. Nhiều đôi uyên ương và các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh đã dành cả ngày lang thang ngoài bãi không biết chán.
< Lau mọc thành bờ bụi, trắng tinh khôi rập rờn theo gió.
Theo người dân ở đây, lau mọc đẹp nhất là vào khoảng tháng 10 cho tới tháng 11. Các mảng lau mọc tự nhiên cao hơn đầu người, chẳng cần chăm bẵm, màu trắng muốt, tụ thành từng đám như mây trôi thơ mộng.
Dulichgo
Tuy vậy, do không phải là khu vực dành cho du lịch nên bến bãi không có, khách đến đây thường tự bảo quản xe cộ hoặc gửi nhờ người dân. Có đoàn còn phóng hẳn xe ra tận bãi. Đường đi không khó nhưng nhiều cát, tay lái yếu sẽ dễ trơn trượt ngã.
< Nơi đây trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Từ thành phố Vinh, có nhiều con đường để các nhóm bạn tới bãi lau này chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Nếu không rành đường trong thành phố, đi qua cầu vượt Cửa Nam thẳng theo QL46 khoảng 6km, tới ngã tư đi Bến Thủy rẽ trái theo QL1A khoảng 2km sẽ gặp một ngã ba khác.
< Lau trong ánh hoàng hôn có một vẻ đẹp hết sức hoang sơ.
Đến đây rẽ phải theo đường đi Hưng Tân (ĐT 542C), đi hết đường tới ngã ba đê 42 (xóm 3, xã Hưng Xá) lại rẽ trái, đi theo đê Tả Lam (ĐT 542) tới cầu Yên Xuân. Cầu này là cầu đường sắt, hai bên có đường bộ cho xe đạp, xe máy qua, ôtô không thể đi được. Đi qua cầu sẽ đến xóm 3, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn. Bãi lau nằm phía tay phải, rất dễ nhận biết bởi chúng tạo thành một vùng bông trắng rộng lớn trải dài khoảng 20km đường.
< Bãi lau rộng lớn ven sông Lam ở xóm 3, xã Nam Cường, Nam Đàn, Nghệ An.
Dulichgo
Còn một đường khác ngắn hơn là từ phố Phạm Hồng Thái, TP Vinh đi thẳng cho tới khi gặp chiếc cầu nhỏ mang tên Bàu Lác. Đi qua cầu rẽ phải vào đường Đ.H 2.2 tới hết đường thì rẽ phải là tới cầu Yên Xuân. Đường này chỉ khoảng 15km, tuy nhiên đông đúc xe cộ hơn quãng đường trên.
< Chụp ảnh cưới bên bờ cỏ lau.
Vào chơi ở bãi lau, các nhóm có thể mang theo chút đồ ăn và vải bạt để ăn nhẹ nếu thích. Không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ và các bãi cỏ rộng là nơi lý tưởng cho một chuyến dã ngoại trong ngày. Tuy nhiên, lưu ý bãi rộng và không hề có biển chỉ đường nên rất dễ lạc. Luôn nhớ hướng mặt trời hoặc đi trong vùng nhỏ để tránh việc kẹt lại bãi lau khi trời tối.
Bên cạnh bãi lau hoang sơ, Nam Cường còn mang vẻ đẹp rất bình dị của vùng nông thôn Việt Nam. Dọc theo con đê, sông Lam uốn lượn qua các bãi bồi. Rất dễ bắt gặp một con thuyền thả lưới nhỏ của người dân sống quanh đó hoặc một ruộng ngô mướt mát màu mỡ.
Người dân cho biết trước kia nước sông ở đây xanh trong lắm. Từ ngày các đơn vị khai thác cát dưới lòng sông, màu nước chuyển đục dần. Những bãi sậy, bãi táo, dâu một số nơi ven sông dần thế chỗ cho những cần cẩu, máy xúc, xe tải… qua lại nhộn nhịp. Con sông dù vậy vẫn luôn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ với tên tuổi đội bóng Sông Lam Nghệ An nổi tiếng.
< Bãi lau và hồ nước nhỏ nối liền với sông trong ánh hoàng hôn vàng úa.
Vào tháng 10, 11 mùa thu, nếu nán lại sau những giờ chụp ảnh thỏa thích ngoài bãi lau tới tầm 17g, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng thứ ánh sáng của ngày tàn bắt đầu vàng úa, phủ lên bãi lau một màu phấn vàng lộng lẫy tuyệt đẹp.
Dulichgo
Đây cũng là khoảnh khắc thử thách các tay máy thích chụp ngược sáng, chụp ven hay hoàng hôn. Đứng từ phía cầu Yên Xuân nhìn về phía tây sẽ thấy ráng chiều như một bức tranh hùng vĩ với các đường vân sáng rõ rệt chạy trên nền trời thu xanh thẳm.
< Đàn trâu bò hàng chục con thong thả gặm cỏ ven đê.
Lúc này nếu chạy xe máy dọc đê Tả Lam sang xã Hưng Long, huyện Nam Đàn, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ thanh bình, yên ả của vùng quê nơi đây. Những bãi cỏ xanh mướt rộng tít tắp, hàng chục con trâu, con bò thong thả và no nê gặm cỏ. Chủ yếu làm nông nghiệp nên trâu bò vẫn là “đầu cơ nghiệp” tại vùng quê nhỏ bé này.
< Cuộc sống thanh bình diễn ra ngay trên con đê Tả Lam.
Đi dọc đường tỉnh 542 rất dễ bắt gặp một đám trẻ con lững thững đạp xe hay một chị nông dân chăn trâu, đám thanh niên túm lại thành từng đám ngồi trên đê hóng mát và buôn chuyện… Cuộc sống bình yên và rất đỗi dịu dàng diễn ra ngay trên bờ đê dài hàng chục cây số.
Không ồn ào phố thị, không khuất lấp bởi những tòa nhà chọc trời, hoàng hôn nơi đây nguyên sơ và lấp lánh sau những rặng tre, trên dòng nước mát, dường như gột hết bao bụi bặm mỏi mệt của một ngày dài vất vả…
Theo Phong Linh (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Author: Unknown
Related Posts
Some simillar article from this label, you might also like
- Blog Comments
- Facebook Comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)