Thăm bản Hiêu của bà con dân tộc Thái

(ANTĐ) - Xe đến thị trấn Phố Đoàn vào lúc đã quá trưa, đi thêm chừng hơn chục cây số, anh lái xe cho xe rẽ vào con đường đất hẹp, mấp mô lên xuống kèm theo lời giới thiệu: Nếu đi từ đường QL6 rẽ sang QL15 ở ngã ba Tòng Đậu, qua Mường Hịch lên Hồi Xuân rồi vào Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông ở Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa sẽ gần hơn. Còn đi từ đường Hồ Chí Minh thì xa hơn, tuy nhiên đoàn lại có cơ hội thăm Suối cá thần Cẩm Lương trước khi đến với Pù Luông.

Từ đây, đi thêm một đoạn nữa là cả đoàn phải rời xe để tiếp tục hành trình trekking (leo bộ) vào khu vực trung tâm khu bảo tồn, lên đỉnh Pù Luông.

Chặng đường đất mà xe còn đi được chỉ chừng hơn 2km. Hết chặng, cả đoàn lục tục chuẩn bị ba lô hành lý gọn gàng cho việc trekking để chính thức bước vào chặng chinh phục và khám phá KBTTN Pù Luông thuộc địa phận huyện Bá Thước, Thanh Hóa.

Chặng đường này dài chừng hơn 4km để đến bản Hiêu, điểm đến chính của hành trình. “Bản Hiêu chưa phải là ở chính trung tâm của KBTTN nhưng được chọn vì đoạn đường mòn chừng hơn 6km nối từ bản Hiêu sang Son-Bá-Mười (Bản Son, bản Bá, bản Mười, 3 bản cạnh nhau nên người ta gọi quen là Son-Bá-Mười, chính trung tâm) hiện đang không thể đi được do một lần sạt lở từ mùa mưa, vẫn chưa thể đảm bảo an toàn cho du khách.

Tuy nhiên, nếu không qua bản Hiêu mà từ Phố Đoàn đi theo một đường khác cũng có thể đến Son-Bá-Mười và dễ đi hơn”. Người dẫn đường địa phương giới thiệu qua về khu vực trung tâm KBTTN trong khi cả đoàn đang tiến dần vào khu vực trung tâm. Khung cảnh hùng vĩ của một vùng núi rừng còn hoang sơ khiến cho câu chuyện của người dẫn đường như rơi biến vào cảm xúc.
Dulichgo
Bản Hiêu là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Cứ mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà sàn lại dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác - nhà sàn đẹp như tranh thủy mặc.

Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp và chẳng thác nào giống thác nào. Vì vậy, người dân trong bản gọi chung tất cả những thác nước ấy là thác Hiêu và thân thương gọi con suối ấy với tên gọi “dòng Hiêu” chứ không gọi là suối Hiêu như cách thông thường.

Thiên nhiên kỳ thú, tươi đẹp với những thác nước trong vắt tung bụi trắng nối tiếp nhau ầm ào tuôn chảy. Những cọn (guồng nước) xoay tròn róc rách hai bên mép nước.

Bản làng cổ kính với nhà gỗ, mái rơm như hòa quyện vào không gian hoang sơ của khu bảo tồn khiến cho những bước chân dấn lên sườn núi dốc như không hề mệt mỏi. Ở mỗi chân thác nước, một hồ tự nhiên nhỏ nhắn hình thành như để lưu lại làn nước xanh biếc mát mẻ cho du khách thả chân, thư giãn.

Trên đỉnh thác, cũng chính là nơi tập trung đông nhất những nếp nhà sàn, ấy cũng là nơi chúng tôi dừng chân, nghỉ lại, ra suối tắm mình vào dòng nước mát trong khi chờ gia chủ chuẩn bị bữa cơm truyền thống địa phương với món đặc sản: Vịt Cổ Lũng, cá nướng Pá Pỉnh, xôi… và tất nhiên không thể thiếu rượu thóc đậm đà.

Cuối bữa, mâm bát đã được dọn đi, một vò rượu cần lớn bày ra trước khoảng sân rộng trước nhà sàn, đội văn nghệ bản Hiêu thướt tha váy cóm truyền thống giao lưu cùng du khách trong tiếng nhạc lúc rộn ràng, khi dìu dặt. Đêm buông xuống lẫn trong tiếng thác, điệu xòe mộng mị, ngẩn ngơ.
Dulichgo
Buổi sáng ở bản Hiêu mùa này hầu như không có ánh mặt trời mà lại bạc trắng màu mây phủ khắp chốn, bồng bềnh, xa ngái. Thong thả bách bộ trên con đường nhỏ xíu lúc tỏ lúc mờ vòng quanh đỉnh núi để cảm nhận và hít thở cái không khí ấy cũng đủ khiến cho tâm hồn thư thái, cơ thể như thanh sạch và khỏe khắn hơn nhiều. Mọi mệt mỏi của chặng trekking lên núi dường như chả thấm gì. Chúng tôi rời bản Hiêu sau một vòng thả bộ trong mây như vậy. Để rồi, đến khi đã về với chốn thị thành tấp nập, trong lòng mỗi thành viên đều tự nhắn nhủ rằng: Sẽ còn trở lại Pù Luông.

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

Truy tìm con suối 'hóa đá'

SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post