(VHVN) - Đình Quán Giá có từ thời Lý, trong thờ Lý Phục Man, một đại tướng của Lý Nam Đế. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1994. Đình nằm ở thôn Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cách Hồ Gươm hơn 23km về hướng tây.
Nếu lên xe bus số 20, 29, 70, 73 và xuống bến Thạch Thảo Lisa trên quốc lộ QL32 (Hà Nội—Sơn Tây) rồi đi tiếp gần 6km về phía nam thì đến nơi. Nếu lên bus 20, 29, 70, 73 (Mỹ Đình—Hòa Lạc) và xuống bến Song Phương hoặc Chợ Gồ trên đại lộ Thăng Long rồi đi theo đê sông Đáy 4km về phía bắc thì cũng thế.
- Lược sử
Đình Quán Giá ở thôn Yên Sở, xưa gọi Cổ Sở, tên Nôm là làng Giá Lụa, gọi tắt làng Giá. Tương truyền, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010-1026). Đình vốn là đền thờ Lý Phục Man, người làng Giá, một trong các vị tướng tài có công giúp Lý Bí [1] làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542). Ngài cũng từng đánh thắng giặc Lâm Ấp, được Lý Nam Đế gả con gái và ban cho tên Lý Phục Man.
Dulichgo
Khi quân Lương quay lại xâm lược, Lý Phục Man đã anh dũng hy sinh trong trận đánh quyết liệt tại thành Tô Lịch năm Giáp Tý (544). Thi hài của Ngài được quàn tại gần hồ Mã, xã Yên Sở, nhân dân vẫn gọi là khu Mả Thánh. Trải qua nhiều năm tháng, cây cối mọc lên um tùm thành một khu rừng gọi là rừng Cấm. Về sau, nhân dân làng Giá đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài.
Tại vùng thượng nguồn sông Đáy có tới hàng chục làng thờ vọng Lý Phục Man: Bình Phú, Phượng Cách (Quốc Oai), Liên Hiệp (Phúc Thọ), Đại Thần, Mậu Hòa, Dương Liễu, Quế Dương, Tiền Lệ, Phương Bảng (Hoài Đức); xa hơn thì có làng Giàn (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) v.v..
Năm 1947, đình Quán Giá bị quân Pháp đốt phá, chỉ còn cổng nghi môn, tam quan nội, hai bức tường và hậu cung. Dân làng sau đó đã trùng tu, tôn tạo đình. Ngày 4-4-1994, ngôi đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Gần đây có thuyết nói Lý Phục Man chính là Phạm Tu, một tướng tài khác cũng có mặt từ buổi đầu khởi nghĩa Lý Bí. Việc này cũng khó xét bởi chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ viết về Phạm Tu, còn dã sử như "Việt điện u linh" và "Lĩnh Nam trích quái" lại chỉ nói đến Lý Phục Man.
- Kiến trúc
Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở nên một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng. Những cây xanh trồng từ xưa đã tạo thành khu rừng Giá (tức rừng Cấm) bao quanh các công trình và làm nền cho các sinh hoạt lễ hội càng thêm nổi bật màu sắc rực rỡ.
Dulichgo
Ngôi đình hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, phần chính bao gồm ba tòa nhà: đại đình, trung đình và thượng điện, nằm trong khuôn viên khá lớn. Từ cổng nghi môn du khách đi qua sân trước đến một tam quan hoành tráng. Hai bên sân trong là nhà tả, hữu mạc rất dài, mỗi dãy nhà ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà ngang cũng là nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn bạc vào dịp diễn ra các lễ hội hoặc sự kiện lớn.
- Tham quan
Đình Quán Giá có hai bức tường với những viên gạch nung trang trí rất lạ. Tường phía đông có 23 viên, tường phía tây có 26 viên. Mỗi viên gạch có đường chỉ viền xung quanh hình vuông, giữa là phù điêu mỏng, không hình nào giống hình nào. Đó là các bức tranh sống động thể hiện cảnh lão nông dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ở ao sen, quan quân cưỡi voi cưỡi ngựa, tiều phu gánh củi, hai người đánh cờ, ngư phủ chèo thuyền đánh cá, mấy chú bé chăn trâu đùa nghịch v.v…
Thật hiếm thấy ở đâu có nhiều câu đối như ở đây: hơn 90 câu đã được khắc ở Quán Giá và ghi lại trong các quyển sách về Lý Phục Man.
Bên trong hậu cung có tượng Lý Phục Man đặt giữa tượng hai bà Phương Dung và Ả Nương cùng bốn pho tượng các thị nữ, hộ sĩ đứng hầu. Đặc biệt còn lưu giữ được 5 tấm bia đá mang niên đại các năm 1620, 1671, 1681, 1728, 1803 và một số tài liệu cổ như thần phả, hương ước, phản ánh lịch sử của vùng đất này. Đối xứng với nhà bia, ở phía đông là nhà để con ngựa bằng đồng hun, được đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), ngày nay được sơn trắng.
Lễ hội hằng năm được nhân dân vùng Giá (gồm 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Tiền Yên) cùng tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Hai đám rước của Yên Sở và Đắc Sở cùng tiến đến đình làng bên kia rồi mới quay về làng mình. Ngoài ra cứ 5 năm lại một lần mở hội theo nghi thức đại đám. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền thành ngữ "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy".
Dulichgo
Đặc biệt hội Giá có một di sản văn hoá phi vật thể là tích “nghiềm quân”, diễn tả sự gắn kết của quân dân với tướng công Lý Phục Man. Trước thập niên 1980, thường chỉ vài ba trăm người diễn tích này. Đến nay, dân số Yên Sở đông lên thành khoảng một vạn nhân khẩu và trong hội Giá năm 2010 đã có tới gần 600 thanh thiếu niên và các cụ già tham gia đội hình nghiêm quân rước kiệu.
- Di tích lân cận
Chùa Nhổn: phố Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1, quận Nam Từ Liêm.
Chùa Thầy: làng Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
Đình So: làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
Chú thích:
[1] Lý Bí (503–548) đã đuổi quan quân của thứ sử Giao Châu là Vũ lâm hầu Tiêu Tư ra khỏi bờ cõi, xưng Lý Nam Đế và dựng nên Vạn Xuân, nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Phủ Hoài Đức cũ có nhiều đền thờ Lý Bí và những người gắn bó với ông như Triệu Túc, Phạm Tu, Lý Phật Tử... Có cuốn ngọc phả ghi hồi nhỏ Lý Bí tu tại chùa Hương Ấp (tỉnh Thái Nguyên bây giờ), đến năm 13 tuổi thì theo Phổ Tổ thiền sư về Sơn Tây tu ở chùa Giang Xá, rất gần làng Yên Sở.
Theo Văn Hiến VN
Du lịch, GO!
Author: Unknown
Related Posts
Some simillar article from this label, you might also like
- Blog Comments
- Facebook Comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)