(LĐO) - Nằm ở vị trí tiền tiêu phía đông nam tổ quốc, đảo ngọc Côn Lôn (Côn Đảo) được nhắc đến như một điểm dừng chân của nhiều thế hệ các nhà hàng hải và lọt vào “tầm ngắm” của các thế lực bành trướng phương Tây nhiều năm về trước.
Đảo của rắn và “quái vật”
Là người nhiều năm nghiên cứu về lịch sử phát triển của đảo Côn Lôn, J.C Demariaux - một học giả thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương đã có nhiều khám phá thú vị. Kết quả nghiên cứu của ông đã được công bố bằng tiếng Pháp trên Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré) số 196, ra ngày 1.6.1944 và số 197, ra ngày 8.6.1944, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Đây thực sự là những tài liệu tham khảo có giá trị, xin được giới thiệu sơ lược.
(…) Nằm cách mũi Saint - Jacques (nay là Vũng Tàu) chừng 97 dặm và cửa sông Mê Kông chừng 47 dặm là quần đảo Poulo –Condore, người bản xứ gọi là Côn Lôn hay Côn Nôn (nghĩa là Đảo Rắn, do có rất nhiều loài bò sát sinh sống trên các đỉnh đồi).
Dường như người Tây Ban Nha là những người Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo hồi đầu thế kỷ XVI, bởi trong thời gian chiếm đóng của người Pháp, người ta tìm thấy những đồng tiền in hình Charles - Quint niên hiệu 1521.
Dulichgo
Người Anh đặt chân lên vùng đất này năm 1702, điều đó được ghi lại trong báo cáo của nhân viên Hãng Pháp Ấn - Veret. Ông này chính là người khuyên người Pháp nên chiếm đóng Côn Lôn, bởi đây là “điểm trung chuyển quan trọng đối với các tàu của Trung Hoa, Bắc Kỳ, Ma Cao, Manila, Java”.
Hãng Đông Ấn của Anh (Honorable East Indian Company) đã đi trước người Pháp khi quyết định cho xây dựng một thương điếm ở đảo Côn Lôn lớn, chính Chủ tịch Allen Catchpole đứng đầu thương điếm Chu Sơn, Trung Hoa được giao điều hành thi công công trình này. Hiện người ta vẫn còn có thể nhận ra vết tích sót lại của khu thương điếm là những đống đá, đống đổ nát của lò nung và vài mảnh sứ vỡ vùi dưới các bụi cây (các tài liệu lưu trữ liên quan đến số phận của khu thương điếm này có thể tìm thấy ở Calcutta).
Dưới mỏm đá vươn ra Biển Đông, một vịnh nhỏ đầy cát lọt thỏm giữa khu rừng rậm tạo nên khoảng trống lấp lánh. Đó có thể là bãi cát mà người Anh đã đổ bộ và bắt gặp những con rùa biển khổng lồ. “Quái vật có vảy hoe vàng bò cùng hàng ngàn con nhỏ khác mới nở ra, đó là động vật có nhau thai dính vào bụng” - Allen Catchpole miêu tả.
Chúng tôi trung thực và không gây hại cho bất kỳ ai
Côn Lôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của người Anh, họ cố gắng thiết lập quan hệ với người dân nơi đây. Thuyền trưởng Gore đã đặt chân lên quần đảo này từ ngày 20 - 28.1.1780 trong lịch trình vòng quanh thế giới với hai chiếc tàu Résolution và Découverte.
Vào thời điểm đó, các đảo Côn Lôn vẫn là đất của triều đình Huế với chừng 30 nóc nhà nằm rải rác. Thuyền trưởng Gore hỏi người dân làm thế nào có thể mua thức ăn dự trữ. Một viên quan theo đạo Cơ đốc tên gọi Luc cho hay, ông ta sẽ bán trâu cho thuyền trưởng, mỗi con chừng 4-5 đồng bạc. Lúc khởi hành, thuyền trưởng Gore tặng viên quan một cái kính và nhờ ông ta chuyển một bức thư tới Giám mục tòa Adran Bá Đa Lộc.
Huân tước Macartney - Đại sứ đặc biệt của Vua Anh Georges Đệ Tam bên cạnh triều đình Trung Hoa - cũng từng dừng chân trên các đảo Côn Lôn trong hai ngày 17 - 18.5.1793. Ông ta muốn xem xem liệu người Pháp đã đổ bộ lên các đảo hay chưa. Một số người trên hai tàu Lion và Indoustan rời thuyền xuống mua thức ăn dự trữ tại một ngôi làng nhỏ, người dân hứa sẽ giúp họ có đủ thức ăn ngay ngày hôm sau.
Khi trở lại lấy thức ăn dự trữ như đã hẹn, họ thấy cả ngôi làng trống hoác, cửa nhà mở toang, không vật dụng nào bị mang đi, gia cầm thả rông tự tìm thức ăn quanh nhà. Trong một gian nhà, thủy thủ Anh tìm thấy một mẩu giấy viết bằng tiếng Hán: “Chúng tôi không đủ đông, rất nghèo khổ nhưng trung thực và không có khả năng gây hại cho bất kỳ ai. Chúng tôi từng rất sợ hãi khi thấy những con tàu to lớn cùng những người đàn ông lực lưỡng khi chúng tôi không đủ gia súc và các thức ăn dự trữ khác cung cấp theo yêu cầu của họ. Chúng tôi có rất ít đồ ăn cung cấp cho các ngài và chúng tôi không thể làm điều mà các ngài trông mong ở chúng tôi. Nỗi sợ hãi bị ngược đãi và khát khao được sống đã buộc chúng tôi phải chạy trốn… Chúng tôi để lại trong làng mọi thứ chúng tôi có và các ngài có thể lấy đi, nhưng xin đừng đốt các ngôi nhà của chúng tôi”.
Các tác giả của bức thư trên chắc đã từng bị những người nước ngoài đối xử rất thậm tệ. Đoàn thủy thủ người Anh không lấy bất kỳ thứ gì và để lại trong ngôi nhà món quà tặng kèm theo một bức thư tiếng Hán: “Những chiếc tàu ghé thăm hòn đảo và những người đã đặt chân lên đây là người Anh. Chúng tôi đến chỉ để mua thức ăn tươi và không có ý xấu…”.
Dulichgo
Dường như người Anh không có may mắn với vùng đất này, bởi vào lúc tàu của họ bắt đầu nhổ neo rời đi đến Trung Hoa thì tời trên tàu Indoustan bị đứt. Chiếc neo đang kéo lên nửa chừng rơi xuống với tốc lực cực lớn, chiếc tời quay cực mạnh cuốn phăng các thanh chắn được đẽo vuông chừng 6 tấc và dài 16 piê (mỗi piê chừng 30cm) khỏi lỗ đóng, văng tứ tung khiến nhiều người bị thương nằm ngổn ngang trên cầu tàu. Vụ tai nạn khiến viên thuyền trưởng hoảng sợ, vội vã ra lệnh rời đảo, bỏ chiếc neo nằm lại biển sâu.
Cửa ngõ eo biển Malacca
Lịch sử “bị chiếm đóng” của các đảo Côn Lôn ít được biết đến. Sau vụ thảm sát do lính Macassar gây ra năm 1705, người Pháp mới tính đến việc chiếm các đảo Côn Lôn. Theo Tạp chí Địa Lý xuất bản năm 1889-1890, Alexis Faure kể lại: Năm 1721, một nhân viên Hãng Pháp Ấn có tên là Renault được giao tiến hành điều tra dân số, khí hậu cũng như hoạt động sản xuất trên các đảo. Trong báo cáo gửi về, Renault nói về sự tồn tại của các sinh vật lạ, sóc và thằn lằn bay. Vào thời đó, Côn Lôn lớn được đặt tên là đảo Orléans để tôn vinh Công tước vùng Orléans của Pháp, tuy nhiên không có bất kỳ công trình nào được dựng lên ở đây.
Năm 1752, Dupleix thu thập thông tin từ các nhà truyền giáo và tiếp quản kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn. Bất hạnh thay, ông này bị triệu hồi về Pháp và cuộc chiến Anh – Pháp kéo dài 7 năm đã khiến kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn không được quan tâm.
Theo ký giả Charles Maybon, còn có một kế hoạch khác do thương gia Protais-Leroux, người từng có 8-9 năm kinh nghiệm làm việc ở Ấn Độ gửi cho De Machault - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Pháp - ngày 15.5.1755. Trong thư, Leroux trình bày các ưu điểm nếu cho xây dựng một thương điếm ở Côn Lôn, “quần đảo nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca” có giá trị chiến lược lớn: “Hòn đảo là nơi trú ẩn cho các tàu Âu đến Trung Hoa; chúng ta có thể trú đông, sửa chữa và đóng vá mọi loại tàu trong cảng phía bắc bằng gỗ xây dựng trong vùng nếu cần. Cảng phía nam sẽ đem lại lợi ích rất lớn”.
Dulichgo
Leroux đề nghị cho xây thương điếm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Hãng Pháp Ấn không cho phép nghĩ đến kế hoạch to tát ấy. Sau năm 1757, hãng tàu thủy Pháp ngậm ngùi nhìn hãng tàu thủy Anh qua mặt thống trị các biển toàn khu vực Nam Á, trở thành một sức mạnh xâm lược lẫn quân sự.
Kho báu
Trong lịch sử Phái bộ Nam Kỳ, Cha Launay viết lại nhật ký của Cha Levasseur bàn về xây dựng một thương điếm năm 1768 ở Côn Lôn. Có thể nói, tất cả các dự án từ năm 1705 của người Pháp mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Năm 1773, cuộc nổi dậy của Tây Sơn nổ ra, giám mục Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Ánh chạy trốn trên các đảo dọc bờ biển Nam Kỳ.
Phần lớn dân làng An Hải trên đảo Côn Lôn là hậu duệ của nhà Gia Long, họ còn cất giữ rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Hán. Người ta cũng nói về những bộ áo giáp và những khẩu súng mút-kê cũ (sản xuất ở thế kỷ XVI-XVII) được tìm thấy trong một hang động dưới thời chúa đảo Lambert. Khắp nơi trên quần đảo, người ta rỉ tai nhau về những kho báu chôn giấu chưa được tìm thấy.
Ngày 25.11.1896, trong khu vực nhà tù số 1, tù khổ sai Dang Van Tam khi đào hào đã phát hiện 2 chum chứa đầy đồng tiền bạc và vòng vàng. Đó có thể là của cải dự trữ được cất giấu của Nguyễn Ánh. Vào ngày chạy trốn khỏi trùng vây thuyền chiến của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bỏ lại tất cả số vàng bạc đó, tháo thân sang Xiêm.
Thống đốc Nam Kỳ Ducos đã ra lệnh bán rồi chia số tiền thu được thành hai phần bằng nhau: Một nửa nộp cho chính phủ thuộc địa, một nửa trao cho tù khổ sai Dang Van Tam. Ngày 14.1.1897, Thống đốc viết: “Khi một kho báu tình cờ được phát hiện, chiểu theo Điều 716 Luật Dân sự, người phát hiện có quyền hưởng một nửa kho báu, phần còn lại thuộc về người sở hữu đất”.
Người nổi dậy bị treo cổ và nguồn gốc ra đời nhà tù khổ sai
Hiệp ước Versailles ngày 28.11.1787 giữa Vua Louis XV và Vua Gia Long do Giám mục tòa Adran Bá Đa Lộc soạn thảo, theo đó Vua Gia Long đồng ý nhượng lại cho Pháp quyền sở hữu các đảo Côn Lôn. Dù có hiệp ước trên nhưng thực tế, không có bất kỳ đơn vị lính đồn trú Pháp nào được triển khai trên quần đảo. Trong chuyến ghé thăm của Huân tước Macartney ngày 17 và 18.5.1793, ông ta không hề gặp một lính Pháp nào ở đây.
Pháp thực sự sử dụng quyền sở hữu quần đảo này vào ngày 28.11.1861, khi ra lệnh tàu hộ tống Norzagaray cập đảo theo lệnh của Đô đốc Bonard - Thống đốc Nam Kỳ đầu tiên, người tuyên bố “muốn hoàn thành sớm nhất có thể những mục tiêu của Hoàng đế Napoléon Đệ Tam”. Theo tài liệu ở Nam Kỳ, tôi (tác giả J.C Demariaux) đã tìm thấy và được đọc biên bản chiếm đảo.
Dulichgo
Đó là một tờ giấy vàng bị rách ở giữa vì mối đục: “Hôm nay, thứ năm là ngày 28.11.1861, vào lúc 10h sáng. Tôi tên là Lespès Sébastien - Nicolas Joachim, đại úy hải quân, chỉ huy tàu Hải quân Hoàng gia Norzagaray, hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, tuyên bố chiếm giữ nhóm các đảo Poulo - Condore (Côn Lôn), nhân danh Hoàng đế Napoléon Đệ Tam - Hoàng đế của người dân Pháp.
Theo đúng lệnh, tàu Pháp đổ bộ lên đảo Côn Lôn lớn kể từ ngày này. Biên bản chiếm giữ được lập trước sự chứng kiến của các sĩ quan tàu Norzagaray. Biên bản lập trên đất liền, vịnh Tây Nam đảo Côn Lôn vào ngày, tháng, năm trên đây…”. Biên bản được trưng bày tại Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương, sau Nhà triển lãm Sài Gòn.
Khi Pháp đặt chân lên các hòn đảo Côn Lôn, 129 tù binh của triều đình Huế đang bị giam trong một đồn lũy. Ban ngày, số tù binh này được tự do trồng cấy chăn nuôi, nhưng khi đêm đến, tất cả bị cùm xích lại. Phần lớn tù binh đem theo vợ con, sống trong những túp lều lụp xụp quanh đồn, được che chắn bằng phên giậu.
Lính đồn trú ở đây gồm 80 người, dưới sự chỉ huy của Quan Chánh - viên quan của triều đình trực thuộc tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Hà Tiên). Binh lính đóng quân 1 năm trên các đảo sau đó được thuyên chuyển vào đất liền. Họ không có súng mà chỉ được trang bị giáo mác.
Ngày 15.12.1861, đại úy Durand, chỉ huy tàu Monge thay thế tàu Norzagaray đã tiếp ông Chánh - người bản xứ đứng đầu các đảo. Tình hữu hảo được thể hiện qua những thùng quýt, cam, mít, xoài, bưởi, ngô, khoai lang, thuốc lá, trầu được ông Chánh sai người mang đến biếu các quan lính Pháp. Nhưng quan hệ này không duy trì được lâu, các lính bản xứ xuất thân từ đảo (lính bàu) cùng với các tù nhân nổi dậy chống lại người Pháp.
Dulichgo
Họ bầu một người tên là Nguyệt làm trưởng nhóm, bí mật đóng một con tàu lớn, vạch kế hoạch tiêu diệt hết các thủy thủ Pháp rồi trốn vào đất liền. Một tù khổ sai do quá sợ đã bán tin cho người Pháp, vụ nổi dậy bị dập tắt và Nguyệt bị treo cổ.
Khi làm các công việc thủy lực Hải quân, đại úy hải quân Manen trên tàu Norzagazay nhận thấy các bản đồ của Anh ở thời đó đã mắc lỗi địa lý khá nghiêm trọng. Các đảo Côn Lôn được vẽ dịch hơn 4 dặm về phía đông và hơn 1 dặm về phía bắc so với thực tế. Lỗi này là nguyên nhân làm chệch hướng của các con tàu khi đi ra biển Đông, do không đủ gió nên thường mắc cạn trên các bãi biển Cao Miên và những bản đồ của Anh trở thành công cụ dẫn đường tồi, khiến các thuyền trưởng thiếu kinh nghiệm bị lạc hướng.
Người ta nói rằng nước Anh lên tiếng phản đối việc gửi tàu Norzagaray đến các đảo Côn Lôn vì cho rằng về lý thuyết, người Pháp không có bất cứ quyền gì đối với các đảo trên, Hiệp ước Versailles ký với Vua Gia Long đã lỗi thời và Chính phủ Pháp đã thay đổi sau cuộc Cách mạng Pháp.
Ý kiến trên nhanh chóng bị bác bỏ bởi năm sau, Hiệp ước Sài Gòn ngày 3.6.1862 giữa một bên là Hoàng đế Pháp và Hoàng hậu Tây Ban Nha, một bên là Vua Tự Đức, trong đó Vua Tự Đức đồng ý nhường quần đảo và ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (Mỹ Tho) cho Pháp. Từ năm 1862, đô đốc Bonard đã cho xây dựng ở đây một nhà tù khổ sai để giam giữ những người bị kết án từ 1-10 năm tù và đó là nguồn gốc ra đời nhà tù khổ sai sau này.
Tù nhân nữ và sòng bạc
Giám đốc đầu tiên của nhà tù khổ sai là đại úy hải quân F.Roussel - người đã đề nghị Đô đốc Bonard gửi các nữ tù nhân tới Côn Lôn. Ngày 18.3.1862, Roussel viết: “Sự ra đi của vợ các quân tù và tù nhân Cao Miên khiến Côn Lôn không có bóng dáng người phụ nữ. Tôi tin rằng việc đưa những nữ phạm nhân đến đây sẽ là một tài sản đối với vùng đất này, khiến người dân gắn bó với đất đai hơn…”.
Dulichgo
Đô đốc Bonard không nhượng bộ trước mong muốn của cấp dưới mà phải đợi đến thời người kế nhiệm ông ta - Đô đốc Lafont - việc này mới được thực hiện. Nhưng điều này lại khiến viên sĩ quan quản lý đảo không hài lòng. Ngày 29.10.1879, viên sĩ quan này đã gửi bức thư hài hước không ghi rõ ngày tháng tới Đô đốc Lafont: “Hai con gà trống chung sống hòa bình. Một con gà mái đến và chiến tranh nổ ra. Điều đó muốn nói lên rằng, khi số gà trống nhiều hơn số gà mái thì bình yên không còn tồn tại trong cái chuồng gà nữa. Để tránh lộn xộn, tôi buộc phải cách ly hoàn toàn tù nhân nam với tù nhân nữ. Tôi cho rằng các tù nhân nữ không quá xinh và trẻ nhưng Côn Lôn rất hiếm phụ nữ. Các cảnh sát và cai ngục người Âu đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi nên không thể lường trước hậu quả có thể xảy ra...”.
Dịch tả đã khiến cho nghĩa trang của Pháp ở Côn Lôn trở nên chật chội. Dịch bùng phát hồi tháng 4-5.1864 khiến một đội lính đồn trú của Pháp tử vong. Bầu không khí lo sợ bao trùm lên khắp nhà tù khi các lính hải quân và pháo binh chết như ngả rạ, bất chấp nỗ lực chăm sóc của bác sĩ phẫu thuật quân y Viaud.
Sau khi người Pháp chiếm đóng các đảo, quần đảo Côn Lôn được chuyển giao, trực thuộc quản lý của Phủ Thống đốc Nam Kỳ, dưới quyền của một quan cai trị hoặc một sĩ quan, với chức danh “Giám đốc nhà tù và các đảo” (Directeur du pénitencier et des les). Nhà tù giam giữ khoảng 1.500 - 2.000 tù nhân, hàng trăm người trong số đó sống ở nông thôn, trong các trang trại, được giao chăn nuôi và trồng trọt.
Số khác được sai đi đánh cá hoặc tới làm việc ở các lò vôi với nhiên liệu lấy từ dải san hô. Dải san hô ở Côn Lôn không bao giờ cạn kiệt. Năm 1863, trung úy hải quân Bigot hứa với Đô đốc De la Grandière sẽ cho hoạt động 6 lò vôi để cung cấp vật liệu cho Nam Kỳ nhờ nguồn dự trữ san hô dồi dào.
Các khu rừng rậm phủ kín những ngọn núi của đảo Côn Lôn, đỉnh núi cao nhất ở đây cao tới 596m so với mực nước biển. Người Pháp cho xây đường cáp vận chuyển gỗ xây dựng từ trên núi xuống. Các sĩ quan hải quân chiếm đóng đảo dưới thời các đô đốc đã thống kê có 36 loài khác nhau ở đây, tất cả các loại cây gỗ nhiệt đới đều có nhưng hiện tại một số đã biến mất do khai thác và không tái trồng rừng.
Dulichgo
Ở đảo Côn Lôn lớn, người ta chỉ còn thấy gỗ sao. Với các loại gỗ khác, người ta phải đến tìm ở đảo Bai Kinh, nơi ngọn hải đăng xây trên đỉnh núi cao 212m so với mực nước biển, chiếu sáng cho tuyến hàng hải Singapore.
Có một thời người ta đã tính đến chuyện phá bỏ nhà tù khổ sai Côn Lôn. Ngày 28.9.1899, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ ra quyết định phá bỏ nhà tù khổ sai Côn Lôn khi xảy ra dịch bệnh tê phù. Người ta dự kiến chuyển số tù nhân giam giữ tại đây tới 20-30 nhà lao trong đất liền và biến nơi đây thành các công trường lao động. Nhưng đến phút chót, một báo cáo viên có tên là Monceaux đã đưa ra kết luận.
“Tôi tán đồng quan điểm với các quan cai trị cho rằng những kẻ bị kết án phạm tội cần phải chuyển đến các nhà giam ở bên ngoài. Trong những xã hội có tổ chức, người ta luôn tiến hành mọi biện pháp cần thiết để loại tội phạm ra khỏi các trung tâm dân cư” - ông ta viết.
Người ta cũng đưa ra ý tưởng xây một sòng bạc ở đảo Côn Lôn lớn để cạnh tranh với Ma Cao, biến hòn đảo thành điểm hẹn của những người giàu có nhàn rỗi quanh vùng Viễn Đông. Năm 1936, kế hoạch bãi bỏ nhà tù khổ sai Côn Lôn được Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Marius Moutet và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Marc Rucart tái khởi động nhưng không thành công. Từ đó đến thời điểm mà tác giả công bố bài viết này, không có bất kỳ ý tưởng mới nào được sinh ra.
Theo Hồng Nhung - Hoàng Hằng (Lao Động)
Du lịch, GO!
Author: Unknown
Related Posts
Some simillar article from this label, you might also like
- Blog Comments
- Facebook Comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)