Cà phê trứ danh Đà Lạt đang teo tóp

Cà phê Arabica “ngon số 1 thế giới” vẫn hiện diện tại Đà Lạt nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động

Cà phê Arabica của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa được “ông lớn” Starbucks (Mỹ) công nhận là 1 trong 7 loại cà phê ngon trên thế giới và được bày bán trong hệ thống cửa hàng của tập đoàn này trên toàn cầu. Đây là tín hiệu vui cho cà phê Đà Lạt nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, diện tích của loại cà phê này hiện không còn nhiều, sản lượng hằng năm không đáng kể.

Chưa xứng với tiềm năng

Năm 1875, nhận thấy khu vực Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) với điều kiện thổ nhưỡng, độ cao thích hợp, người Pháp đã đưa giống cà phê Arabica sang trồng.

Cụ Lê Văn Thọ (85 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) nhớ lại: “Cách đây khoảng 60 năm, lúc tôi làm công nhân đồn điền cho người Pháp đã nghe nói đến loại cà phê này. Khi ấy, người Pháp thu hoạch cà phê ở Đà Lạt rồi chế biến tại chỗ, đóng gói gắn nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” chuyển đi phục vụ giới thượng lưu, quý tộc và xuất khẩu sang nhiều nước. Còn với người bình thường thì hầu như không ai được biết đến hương vị loại cà phê ở Cầu Đất này”.


Trải qua 140 năm, đến nay, loại cà phê “ngon số 1 thế giới” vẫn hiện diện trên vùng đất cao nguyên nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương trước đây, loại cây trồng này cũng không được chú trọng. Theo thống kê, hiện tổng diện tích cà phê ở TP Đà Lạt chỉ còn hơn 3.400 ha (chủ yếu là cà phê Arabica, được phân bố tại 3 xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung) trong tổng số 140.000 ha cà phê của tỉnh.

Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết do hiệu quả kinh tế không cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn cà phê Arabica để trồng loại cây khác. Do vậy, chỉ trong 5 năm, diện tích cà phê Arabica của xã giảm khoảng 300 ha, chỉ còn khoảng 1.000 ha.

Bên cạnh đó, chất lượng cà phê Arabica Đà Lạt hiện không bằng cà phê của các tỉnh khác do khâu chế biến của người trồng đã lỗi thời. Nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt vẫn còn giữ cách làm ủ kín cà phê tươi một thời gian rồi mới đem đi phơi khô và chà bóc vỏ. Theo các chuyên gia, cà phê sau khi thu hái cần được phơi khô ngay trước khi sơ chế thì chất lượng hạt nhân mới bảo đảm. Hơn nữa, hiện đa phần nông hộ sản xuất cà phê ở du lịch Đà Lạt còn làm theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, kiến thức thị trường... nên năng lực hạn chế.

“Điều này dẫn đến việc lạm dụng hóa chất, thu hoạch không đúng kỹ thuật, sử dụng giống không bảo đảm, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Những “thói xấu” này đang khiến cà phê của Việt Nam nói chung “bất ổn” trên thị trường thế giới”- một lãnh đạo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhận định.

Đưa cà phê Arabica Đà Lạt vươn xa

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương này đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm biến khu vực Nam Tây Nguyên trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê Arabica ngon nhất thế giới. Trong đó, ngoài việc quy hoạch có định hướng diện tích cà phê Arabica Đà Lạt thì việc xây dựng thương hiệu, công nghệ chế biến sau thu hoạch và ngăn ngừa lạm dụng hóa chất trong sản xuất sẽ được quan tâm hàng đầu.

Xét về mọi mặt, Lâm Đồng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể biến giấc mơ nêu trên thành hiện thực: là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai cả nước - sau Đắk Lắk, là địa phương sở hữu một vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam. Ngoài ra, theo chiến lược phát triển vừa được quy hoạch, cà phê Arabica là loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh...

“Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, địa phương sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê Arabica trong tổng diện tích 140.000 ha cà phê của toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng công tác phổ biến kiến thức, hỗ trợ nông dân hướng tới các quy trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn của thế giới để cà phê Arabica Đà Lạt vươn xa hơn” - ông Phạm S nhấn mạnh.

SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post